Lâm Đồng phê duyệt đầu tư một phần đường cao tốc nối Đà Lạt và TP.HCM

UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt dự án đầu tư đường cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương nối phía nam Lâm Đồng với Đà Lạt.

Hiện nay tỉnh Lâm Đồng chỉ mới có 1 tuyến đường cao tốc Liên Khương - Prenn dài 19km nối sân bay Liên Khương với cửa ngõ Đà Lạt - Ảnh: M.V.
Hiện nay tỉnh Lâm Đồng chỉ mới có 1 tuyến đường cao tốc Liên Khương – Prenn dài 19km nối sân bay Liên Khương với cửa ngõ Đà Lạt – Ảnh: M.V.

Dự án được phê duyệt theo phương thức đối tác công tư (giai đoạn 1).

Theo thiết kế, tuyến đường cao tốc này sẽ bắt đầu từ phường Lộc Phát (Bảo Lộc), trùng điểm cuối cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc (km125+675).

Điểm cuối của tuyến sẽ giao với cao tốc Liên Khương – Prenn (km208+650) thuộc xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 73,62km, vận tốc thiết kế 100km/h. Theo tính toán, tổng mức đầu tư toàn tuyến là hơn 17.000 tỉ đồng.

Đường cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương nằm trong hệ thống đường bộ cao tốc từ Dầu Giây tới Liên Khương theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Việc đầu tư kết nối toàn tuyến cao tốc này nâng cao khả năng kết nối với mạng lưới giao thông quốc gia, rút ngắn thời gian kết nối các tỉnh Tây Nguyên với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và các trung tâm kinh tế, xã hội, công nghiệp dọc quốc lộ 20; nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa, thông thương đối ngoại, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông cho quốc lộ 20 đang trong tình trạng quá tải.

Cao tốc - Ảnh 2.

Tuyến đường cửa ngõ đèo Prenn Đà Lạt được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc đã đấu nối với cao tốc Liên Khương – Prenn – Ảnh: M.V.

Tuyến cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương được xác định tạo bước đột phá kinh tế – xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm an ninh quốc phòng của tỉnh Lâm Đồng nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung; phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của dự án cao tốc đoạn Dầu Giây – Tân Phú, Tân Phú – Bảo Lộc góp phần quan trọng trong việc mở rộng không gian, xây dựng, phát triển TP Đà Lạt thành một vùng đô thị hiện đại.

Đã đề xuất đầu tư đường cao tốc Nha Trang – Khánh Hòa

Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng còn dự án đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc đang chờ Chính phủ phê duyệt đầu tư.

Tuyến đường dự kiến dài 66km, bề rộng nền đường 17m với 4 làn xe, tổng mức đầu tư 17.200 tỉ đồng.

Khi tuyến đường này hình thành sẽ kết nối thông suốt TP.HCM với TP Đà Lạt thông qua các tuyến đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú, Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương, Liên Khương – Prenn.

Mới đây, hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng đã có tờ trình gửi Thủ tướng đề xuất đầu tư đường cao tốc Nha Trang – Đà Lạt trước năm 2030.

Tuyến cao tốc này dự kiến sẽ dài gần 81km, 4 làn xe, tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 25.058 tỉ đồng theo phương thức đối tác công tư (PPP) có sự tham gia vốn nhà nước.

Tuyến cao tốc Nha Trang – Đà Lạt được xây dựng sẽ rút ngắn thời gian đi giữa hai thành phố này còn khoảng 1,5 – 2 giờ so với hiện tại khoảng 3,5 – 4 giờ.

Nguồn báo Tuổi trẻ online và theo dõi chúng tôi để biết thêm những thông tin khác qua Tại đây

Lâm Đồng sau sáp nhập: Tỉnh Lâm Đồng trở thành tỉnh lớn nhất Việt Nam

Quá trình sáp nhập đã đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh lớn nhất Việt Nam

Các chủ trương hợp nhất đơn vị hành chính nhằm tối ưu hóa bộ máy đã đưa Lâm Đồng về đích là tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam.

Lâm Đồng và Đắk Nông

  • Đắk Nông (6.515,6 km², ~700.000 dân) chính thức nhập về Lâm Đồng, tạo vùng phía Bắc rộng lớn.
  • Giao thông kết nối Đắk Nông – Lâm Đồng được nâng cấp, mở ra hành lang kinh tế mới.

Lâm Đồng và Bình Thuận

  • Bình Thuận (7.812,8 km², ~1,2 triệu dân) sáp nhập giúp Lâm Đồng kéo dài tới duyên hải Nam Trung Bộ.
  • Lợi thế biển – rừng kết hợp mang đến du lịch đa dạng cho Lâm Đồng.
  • Xem chi tiết tại Lâm Đồng trên Wikipedia.

Diện tích và dân số sau sáp nhập

Đơn vị Diện tích (km²) Dân số
Lâm Đồng 9.764,8 1,29 triệu
Bình Thuận 7.812,8 1,20 triệu
Đắk Nông 6.515,6 0,70 triệu
Tổng hợp 24.093,2 3,19 triệu

Sau sáp nhập, Lâm Đồng chiếm khoảng 25.000 km², vượt qua Nghệ An (16.493 km²) để trở thành tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam.

 

Cơ cấu hành chính mới của Lâm Đồng

Lâm Đồng hiện có 10 đơn vị cấp huyện (giảm từ 12):

  • 2 thành phố: Đà Lạt, Bảo Lộc
  • 8 huyện: Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Di Linh, Đức Trọng, Lạc Dương, Đơn Dương, Lâm Hà, Bảo Lâm

Số xã, phường cũng được tinh gọn còn 137 (giảm từ 142). Việc tái cơ cấu giúp Lâm Đồng quản lý hiệu quả, đẩy mạnh cải cách hành chính.

 

Những lợi ích nổi bật

  1. Tăng cường vị thế
    Với diện tích lớn nhất, Lâm Đồng thu hút nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
  2. Du lịch – dịch vụ
    Phát triển đa dạng: từ cao nguyên lạnh Đà Lạt tới biển Bình Thuận.
  3. Nông nghiệp công nghệ cao
    Vùng cao sản xuất rau hoa, cà phê, đặc sản chè…
  4. Giao thông kết nối
    Cao tốc Liên Khương – Prenn, sân bay Liên Khương nâng công suất.
  5. Bộ máy tinh gọn
    Giảm đầu mối, tiết kiệm ngân sách nhà nước.

“Sáp nhập không phải là thay đổi quy mô mà là chuyển mình để phát triển bền vững.”

 

Tiềm năng phát triển bền vững

Du lịch xanh – sinh thái

  • Đà Lạt – Bảo Lộc: liên tuyến nghỉ dưỡng, wellness.
  • Biển Phan Thiết liền kề: mở tour biển – cao nguyên cho Lâm Đồng.

 

Công nghiệp chế biến nông sản

  • Cà phê Đà Lạt, chè Bảo Lộc, trái cây Nam Trung Bộ…
  • Hệ thống kho lạnh, logistics liên vùng.

Đầu tư hạ tầng

  • Mở rộng sân bay Liên Khương, cảng cá Phan Thiết.
  • Đường cao tốc kết nối Tây Nguyên – miền Trung – miền Nam.

Kết luận

Lâm Đồng sau sáp nhập không chỉ có diện tích vượt trội mà còn hội tụ đủ điều kiện để trở thành “đầu tàu” phát triển của Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Với cơ cấu hành chính mới, lợi thế du lịch – nông nghiệp – công nghiệp, Lâm Đồng đang mở ra kỷ nguyên tăng trưởng đột phá.

Hãy khám phá thêm:

  • Khám phá du lịch Bảo Lộc
  • Bài viết về cao nguyên Đà Lạt

Tài nguyên bên ngoài (dofollow):

 

xem thêm các thông tin khác: tại đây

 

Công ty Đại Quang Minh và Tập đoàn Sơn Hải làm cao tốc Dầu Giây – Tân Phú

Khi hoàn thành, cao tốc Dầu Giây – Tân Phú sẽ góp phần rút ngắn thời gian từ TP.HCM đi Lâm Đồng – Ảnh: A LỘC

Dự án đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú giai đoạn 1 có chiều dài 60,2km, thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao).

Ngày 15-4, Bộ Xây dựng đã ban hành quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, nhà đầu tư trúng thầu là liên danh Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh – Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải.

Dự án đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú giai đoạn 1 có chiều dài 60,2km, thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Dự án có tổng vốn đầu tư 8.496 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách 1.300 tỉ đồng bố trí cho giải phóng mặt bằng, còn lại là vốn nhà đầu tư. Thời gian thi công xây dựng hoàn thành dự án là 24 tháng tính từ ngày khởi công.

Dự án đi qua các huyện của tỉnh Đồng Nai, gồm: Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú. Điểm đầu dự án sẽ kết nối với điểm cuối của cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất), điểm cuối giao cắt với quốc lộ 20 và nối vào cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc (xã Phú Trung, huyện Tân Phú).

Căn cứ kết quả lựa chọn nhà đầu tư được phê duyệt, Bộ Xây dựng giao Ban Quản lý dự án Thăng Long hoàn thiện dự thảo hợp đồng theo quy định của hồ sơ mời thầu và quy định pháp luật, trình Cục Đường bộ Việt Nam để tổ chức thương thảo, đàm phán với nhà đầu tư. Trên cơ sở đàm phán, Ban Quản lý dự án Thăng Long chịu trách nhiệm hoàn thiện hợp đồng dự án, trình Cục Đường bộ Việt Nam ký kết.

Trước đó, Bộ Xây dựng đã có công điện yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long đẩy nhanh các thủ tục để khởi công cao tốc Dầu Giây – Tân Phú trong tháng 5-2025.

Cấp tập làm cao tốc kết nối Tây Nguyên

Theo kế hoạch, khu vực Tây Nguyên sẽ được đầu tư 9 tuyến cao tốc trước giai đoạn 2030 với tổng vốn đầu tư hơn 200.000 tỉ đồng. Năm 2023, tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột – Khánh Hòa dài 117,5km đã khởi công.

Đầu tháng 2-2025, tỉnh Bình Dương khởi công cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành. Nối tiếp tuyến này lên Tây Nguyên là cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành dài 140km, hiện đang được tỉnh Bình Phước thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư.

Còn cao tốc Dầu Giây – Tân Phú là một đoạn nằm trong tổng thể tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương dài hơn 200km. Hai đoạn còn lại gồm Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương đang được tỉnh Lâm Đồng đẩy nhanh thủ tục để khởi công dự án.

Tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng liên kết các tỉnh Đông Nam Bộ với khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là Đồng Nai với tỉnh Lâm Đồng khi quốc lộ 20 đã quá tải.

Nguồn: báo tuổi trẻ

xem thông tin khác: tại đây.

Người nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp nhưng không sản xuất nông nghiệp, có được gia hạn sử dụng đất?

Trong trường hợp này, người dân nên liên hệ với Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh tại địa phương nơi có đất để được hướng dẫn cụ thể hồ sơ và quy trình thực hiện thủ tục xác nhận hoặc gia hạn sử dụng đất theo đúng quy định hiện hành.

Người nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp nhưng không sản xuất nông nghiệp, có được gia hạn sử dụng đất?

Ông Nguyễn Văn Ba gửi đến Cổng TTĐT Chính Phủ câu hỏi: Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu năm, nay hết thời hạn sử dụng đất thì có được xác nhận lại thời hạn sử dụng đất hoặc gia hạn thời hạn sử dụng đất không? Trường hợp không được xác nhận lại thời hạn sử dụng đất thì có bị thu hồi đất không, hay phải thực hiện như thế nào theo Luật Đất đai năm 2024?

Bộ Nông nghiệp và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:

Tại khoản 7 Điều 45 Luật Đất đai năm 2024 quy định:

“Điều 45. Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất

… 7. Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa quá hạn mức quy định tại Điều 176 của Luật này thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa bao gồm các nội dung theo quy định tại khoản 6 Điều này và được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt, trừ trường hợp người nhận tặng cho là người thuộc hàng thừa kế”.

Tại điểm a khoản 1 Điều 172 Luật Đất đai năm 2024 quy định:

“Điều 172. Đất sử dụng có thời hạn

1. Trừ các trường hợp quy định tại Điều 171 của Luật này, thời hạn sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất được quy định như sau:

a) Thời hạn giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất là rừng trồng trong hạn mức quy định tại Điều 176 của Luật này là 50 năm. Khi hết thời hạn sử dụng đất, thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại điểm này mà không phải làm thủ tục gia hạn;”.

Thời hạn sử dụng đất khi nhận chuyển quyền

Tại Điều 174 Luật Đất đai năm 2024 quy định:

“Điều 174. Thời hạn sử dụng đất khi nhận chuyển quyền sử dụng đất

1. Thời hạn sử dụng đất khi nhận chuyển quyền sử dụng đất đối với loại đất có quy định thời hạn là thời gian sử dụng đất còn lại của thời hạn sử dụng đất trước khi nhận chuyển quyền sử dụng đất. Việc gia hạn sử dụng đất thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 172 của Luật này.

Trường hợp nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất của cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp thông qua nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc nhận quyền sử dụng đất trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành mà hết thời hạn sử dụng đất thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại Điều 172 của Luật này mà không phải làm thủ tục gia hạn.

2. Người nhận chuyển quyền sử dụng đất đối với loại đất sử dụng ổn định lâu dài thì được sử dụng đất ổn định lâu dài”.

Tại khoản 2 Điều 258 Luật Đất đai năm 2024 quy định:

“Điều 258. Giải quyết về thời hạn sử dụng đất khi Luật này có hiệu lực thi hành

… 2. Trường hợp đất đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất mà đã hết thời hạn sử dụng đất nhưng đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa thu hồi đất thì được xem xét gia hạn sử dụng đất hoặc thu hồi đất theo quy định của Luật này”.

Tại Điều 65 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai quy định:

“Điều 65. Trình tự, thủ tục xác nhận tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân khi hết thời hạn sử dụng đất

Người sử dụng đất nông nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 172 và khoản 1 Điều 174 Luật Đất đai có nhu cầu xác nhận lại thời hạn sử dụng đất trên Giấy chứng nhận đã cấp thì thực hiện theo trình tự, thủ tục như sau:

1. Người sử dụng đất nộp văn bản đề nghị xác nhận lại thời hạn sử dụng đất theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và Giấy chứng nhận đã cấp tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định này.

Trường hợp người sử dụng đất nộp tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

2. Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra hồ sơ; xác nhận thời hạn được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 172 Luật Đất đai vào Giấy chứng nhận đã cấp hoặc cấp mới Giấy chứng nhận nếu người sử dụng đất có nhu cầu; cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính; trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hoặc chuyển cho Ủy ban nhân dân cấp xã để trả cho người sử dụng đất.

3. Thời hạn thực hiện thủ tục quy định tại Điều này do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định nhưng không quá 07 ngày làm việc”.

Tại khoản 5 và khoản 6 Điều 112 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP quy định:

“5. Trường hợp hết thời hạn sử dụng đất nhưng đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa thu hồi đất thì người sử dụng đất được thực hiện thủ tục gia hạn sử dụng đất trong thời gian 06 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, hết thời hạn này mà người sử dụng đất không làm thủ tục gia hạn thì Nhà nước thu hồi đất, trừ trường hợp bất khả kháng.

6. Trường hợp đã tiếp nhận hồ sơ gia hạn sử dụng đất trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Trường hợp người sử dụng đất đề nghị thực hiện theo quy định tại Nghị định này thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại Nghị định này”.

Do đó, căn cứ quy định nêu trên, đề nghị ông liên hệ với Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất theo phân cấp thẩm quyền tại địa phương để được hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính.

Nguồn báo CAFEF và theo dõi chúng tôi để biết thêm những thông tin khác qua Tại đây

Các trường hợp khi sang tên sổ đỏ được cấp sổ mới, người dân nên biết

Có 2 trường hợp khi sang tên sổ đỏ được cấp sổ mới

Căn cứ Điều 41 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT, một số trường hợp sang tên sổ đỏ được cấp sổ đỏ mới, cụ thể:

1. Các trường hợp đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà trên Giấy chứng nhận đã cấp không còn dòng trống để xác nhận thay đổi.

2. Trường hợp đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu cấp mới Giấy chứng nhận.

Trong hồ sơ đăng ký biến động phải có đơn theo Mẫu số 11/ĐK; trong mẫu đơn này khi điền thông tin sẽ ghi nhu cầu cấp Giấy chứng nhận mới và không có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận mới. Nếu người nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, người thừa kế muốn được cấp Giấy chứng nhận mới thì ghi rõ nhu cầu.

Như vậy, có 2 trường hợp khi sang tên sổ đỏ được cấp sổ mới. Biết được quy định này khi người dân sang tên sổ đỏ nếu muốn được cấp sổ mới thì thể hiện nhu cầu cấp mới trong Mẫu đơn 11/ĐK.

Theo quy định tại Thông tư 10/2024/TT-BTNMT, đã chính thức bắt đầu cấp mẫu sổ đỏ mới từ ngày 01/01/2025. Mẫu sổ đỏ mới được thực hiện theo mẫu tại Thông tư 10/2024/TT-BTNMT như sau:

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (tên thông dụng là sổ đỏ) sẽ gồm một (01) tờ có hai (02) trang, in nền hoa văn trống đồng, màu hồng cánh sen, có kích thước 210 mm x 297 mm, có Quốc huy, Quốc hiệu, dòng chữ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”, số phát hành Giấy chứng nhận (số seri) gồm 02 chữ cái tiếng Việt và 08 chữ số, dòng chữ “Thông tin chi tiết được thể hiện tại mã QR”, số vào sổ cấp Giấy chứng nhận và nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận (được gọi là phôi Giấy chứng nhận).

Các trường hợp khi sang tên sổ đỏ được cấp sổ mới, người dân nên biết- Ảnh 1.

Hình ảnh của mẫu sổ đỏ mới

Mẫu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thể hiện các nội dung sau:

– Trang 1 gồm: Quốc huy, Quốc hiệu; dòng chữ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất” in màu đỏ; mã QR; mã Giấy chứng nhận; mục “1. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất:”; mục “. Thông tin thửa đất:”; mục “3. Thông tin tài sản gắn liền với đất:”; địa danh, ngày tháng năm ký Giấy chứng nhận và cơ quan ký Giấy chứng nhận; số phát hành Giấy chứng nhận (số seri); dòng chữ “Thông tin chi tiết được thể hiện tại mã QR”;

– Trang 2 gồm: mục “4. Sơ đồ thửa đất, tài sản gắn liền với đất:”; mục “5. Ghi chú:”; mục “6. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận:”; số vào sổ cấp Giấy chứng nhận; nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận;

– Nội dung và hình thức thể hiện thông tin cụ thể trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo Mẫu số 04/ĐK-GCN của Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư 10/2024/TT-BTNMT.

Nguồn báo CAFEF và theo dõi chúng tôi để biết thêm những thông tin khác qua Tại đây

Sáp nhập tỉnh thành, mở hướng ra biển để ‘vươn mình mạnh mẽ’

Trong bối cảnh Trung ương đang xem xét đề án sáp nhập tỉnh thành, nhiều ý kiến từ các chuyên gia và nhà quản lý cho rằng đây không chỉ là cuộc ‘tái cấu trúc’ địa giới hành chính, mà còn là cơ hội vàng để kiến tạo những không gian phát triển mới, đặc biệt là hướng biển.

 Phương án sáp nhập tỉnh thành được tính toán để bảo đảm thực hiện chiến lược đến cả trăm năm - Ảnh minh họa

Phương án sáp nhập tỉnh thành được tính toán để bảo đảm thực hiện chiến lược đến cả trăm năm – Ảnh minh họa

Kiến tạo không gian cho chiến lược phát triển trăm năm

Tại tọa đàm “Sắp xếp tỉnh thành để kiến tạo không gian cho chiến lược phát triển trăm năm” do báo Dân trí tổ chức sáng nay (10/04), các chuyên gia, nhà quản lý đã cùng thảo luận từ nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau về chủ trương đột phá trong sắp xếp tỉnh thành để mở rộng không gian phát triển đối với từng địa phương, tạo ra động lực mới cho sự phát triển đất nước, sự ổn định lâu dài của bộ máy nhà nước.

Theo ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã cân nhắc rất kỹ và xác định đã đến thời điểm chín muồi cho sắp xếp các đơn vị hành chính.

“Không phải cách đây mấy tháng chúng tôi mới nghiên cứu mà từ Đại hội 13 của Đảng, vấn đề này đã đặt ra rồi. Chúng tôi đã có những bước chuẩn bị căn cơ, trong thời gian dài. Còn quá trình xây dựng đề án vừa qua, chúng tôi thực hiện vừa khẩn trương nhưng cũng rất cẩn trọng, cân nhắc. Các yếu tố để bảo đảm cho phương án sáp nhập sau này khả thi đã tính toán để bảo đảm thực hiện chiến lược đến cả trăm năm, thậm chí vài trăm năm”, ông Phan Trung Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phan Trung Tuấn, mở rộng không gian phát triển thực sự là tiêu chí lớn nhưng bên cạnh đó cũng có rất nhiều vấn đề đặt ra, cần xem xét như yếu tố địa lý, văn hóa, các vấn đề quy hoạch vùng, liên vùng. Ngoài ra mục tiêu khác cần hướng tới là xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả như Tổng Bí thư đã nói.

Về phương án mở rộng không gian hướng biển, sáp nhập những tỉnh nội địa với những địa phương có biển, ông Phan Trung Tuấn cho rằng, Việt Nam là quốc gia biển với bờ biển dài, vùng biển rộng lớn. Chính vì vậy, chiến lược phát triển hướng biển là định hướng chiến lược được thể hiện nhất quán trong các chính sách phát triển quốc gia.

Vừa qua, việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước cũng theo chủ trương hướng biển. Điều này thể hiện qua quy hoạch tuyến đường giao thông, đường sắt trọng điểm. Các tuyến đường này có sự kết nối với những khu vực, những nơi có biển.

“Yếu tố hướng biển vô cùng quan trọng. Trong đề án trình Trung ương lần này, chúng tôi đã đề xuất phương án sáp nhập theo hướng kết nối các tỉnh, thành phố chưa có biển với các địa phương ven biển nhằm tạo không gian phát triển cho địa phương”, ông Phan Trung Tuấn cho hay.

Không gian phát triển không chỉ là quy mô, diện tích mà còn có yếu tố khác đảm bảo mục tiêu phát triển lâu dài, hướng biển.

“Lấy ví dụ ở khu vực Tây Nguyên hiện nay chưa gắn với biển về địa hình. Trong lần sáp nhập tỉnh này, chúng tôi định hướng sắp xếp gắn với các địa phương có biển để khai thác hết tiềm năng về quỹ đất, phát triển vựa nông sản nổi tiếng của cả nước”, ông Phan Trung Tuấn nói.

Như vậy, gắn kết một địa phương có biển, đồng bộ với kết nối hạ tầng giao thông như đường bộ, đường sắt, đường thủy thì sẽ có tương hỗ trong phát triển, gắn kết với địa phương.

Từ góc độ địa phương, ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP. Cần Thơ cho biết, trong 50 năm qua, địa phương này đã trải qua nhiều lần sáp nhập, chia tách và hiện là trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

“Cần Thơ cũng có cảng biển là cảng Cái Cui, được xem là cảng lớn nhất ĐBSCL. Đây cũng được coi là cảng biển nhưng cách cửa biển Định An cả trăm cây số. Cửa biển lại bồi lắng hàng năm, tàu lớn ra vào rất khó. Mỗi năm nạo vét tốn kém cả trăm tỷ đồng. Tàu trọng tải lớn cũng khó vào Cần Thơ. Nếu như sáp nhập Cần Thơ với một tỉnh có biển thì sẽ là lợi thế rất lớn”, ông Phạm Văn Hiểu chia sẻ.

Đó chỉ là về giao thông. Nếu có biển, Cần Thơ có thể phát triển nuôi trồng, khai thác thủy hải sản, phát triển hệ sinh thái ven biển, du lịch biển gắn kết với đồng bằng sinh thái, logistics…

“Chúng tôi rất vui mừng khi biết có định hướng mở rộng ra hướng biển. Nếu được như vậy, chúng tôi có điều kiện vươn mình mạnh mẽ trong thời gian tới, tác động lớn đến sự phát triển của cả vùng ĐBSCL”, ông Phạm Văn Hiểu bày tỏ.

Kết nối giữa miền biển và miền núi, giữa đồng bằng và cao nguyên

Dưới góc nhìn quy hoạch, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định rằng định hướng kết nối các tỉnh nội địa, đặc biệt là vùng cao như Tây Nguyên, với các địa phương ven biển là tư duy quy hoạch chiến lược, phù hợp với bối cảnh phát triển tích hợp hiện nay.

Theo ông Trần Ngọc Chính, Tây Nguyên hiện gồm 5 tỉnh với tổng diện tích trên 50.000 km² và dân số khoảng 6 triệu người. Nhưng điều quan trọng hơn là giá trị chiến lược của vùng Tây Nguyên không chỉ nằm ở quy mô dân số hay diện tích, mà còn ở bản sắc văn hóa độc đáo, khí hậu đặc thù và nguồn tài nguyên phong phú….

Khi nhắc đến Tây Nguyên, người ta thường nghĩ ngay đến vùng đất “đại ngàn” hùng vĩ – nơi hội tụ của những cao nguyên trải dài như Kon Tum, Di Linh, Buôn Ma Thuột… Dù các cao nguyên này liền kề về mặt địa lý, nhưng thực tế không gian lại bị chia cắt bởi địa hình hiểm trở.

Đây cũng chính là nơi khởi nguồn của nhiều dòng sông lớn và quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ, tiêu biểu như sông Sê San, sông Đồng Nai… Những con sông này không chỉ có giá trị về mặt thủy lợi và năng lượng mà còn góp phần tạo nên mối liên kết tự nhiên và kinh tế giữa các vùng.

Ông Trần Ngọc Chính cho hay, trong quá trình nghiên cứu, hoạch định chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đã có những thời điểm các chuyên gia, nhà quản lý đề xuất việc chia tách Tây Nguyên thành hai vùng riêng biệt.

Một ví dụ tiêu biểu là việc xem xét đưa tỉnh Lâm Đồng về với vùng Đông Nam Bộ, bởi Lâm Đồng có nhiều mối liên hệ về kinh tế, văn hóa, giao thương và du lịch với các tỉnh khu vực này.

Trong khi đó, các tỉnh phía bắc Tây Nguyên lại có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, thể hiện rõ qua các tuyến giao thông chiến lược như quốc lộ 19, 25, 24, hay qua các dòng sông như Sê San, sông Ba – những huyết mạch kết nối vùng cao nguyên với các cảng biển phía Đông.

Như vậy, mối liên kết giữa Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ là hoàn toàn rõ ràng, không chỉ về mặt địa lý mà còn về kinh tế, giao thương và phát triển không gian vùng.

“Ý tưởng tách đôi Tây Nguyên trước đây phần nào phản ánh mong muốn khai thác tốt hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của vùng này, cũng như thúc đẩy liên kết vùng theo đặc điểm phát triển riêng biệt.

Tuy nhiên, ngày nay, khi chúng ta đã có tư duy phát triển theo không gian tích hợp, điều quan trọng hơn là kết nối vùng một cách hài hòa và hiệu quả thay vì chia tách hành chính đơn thuần”, ông Trần Ngọc Chính nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính cho rằng, cần tăng cường liên kết giữa Tây Nguyên và Nam Trung Bộ để hình thành trục kết nối Đông – Tây, kết nối giữa miền biển và miền núi, giữa đồng bằng và cao nguyên.

Sự kết nối này không chỉ là về giao thông, vận tải, mà còn là sự liên thông về dòng chảy kinh tế, dòng chảy văn hóa và lịch sử, mở rộng không gian phát triển một cách bền vững và hiệu quả. Đây là yếu tố có ý nghĩa chiến lược trong quy hoạch phát triển vùng, cần được quan tâm sâu sắc và triển khai bài bản.
Nguồn Báo mới và theo dõi chúng tôi để biết thêm những thông tin khác qua Tại đây

Khảo sát tuyến đường hơn 2.000 tỷ đồng kết nối Đắk Nông – Lâm Đồng

(PLVN) – Chiều 10/4, tại TP Gia Nghĩa, UBND tỉnh Đắk Nông cùng Đoàn công tác UBND tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện khảo sát và họp về Khảo sát triển khai thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường động lực Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Bảo Lâm (Lâm Đồng), kết nối liên vùng Nam Tây Nguyên với Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.
Một đoạn Quốc lộ 28 tại địa phận huyện Đắk G'long (Đắk Nông)
Một đoạn Quốc lộ 28 tại địa phận huyện Đắk G’long (Đắk Nông)
  • Vị trí thực hiện khảo sát trên tuyến đường động lực Gia Nghĩa – Bảo Lâm là cầu bờ Tây (đoạn qua sông Đồng Nai). Tuyến đường có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.300 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án dự kiến từ 2026 – 2029.

Tuyến đường dự kiến đi qua địa phận tỉnh Đắk Nông (3,5km) và Lâm Đồng (6,5km). Điểm đầu tuyến đường động lực ở phía Đắk Nông dự kiến là khu vực ngã ba đường thôn Cây Xoài (xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa) nối với đường Đạo Nghĩa – Quảng Khê. Kết quả khảo sát sẽ là cơ sở để UBND tỉnh Đắk Nông đánh giá phương án thực hiện dự án.

Theo UBND tỉnh Đắk Nông, hiện tại, Quốc lộ 28 là tuyến đường duy nhất kết nối địa phương với tỉnh Lâm Đồng. Việc đầu tư tuyến đường sẽ rút ngắn khoảng cách từ cửa ngõ TP Gia Nghĩa đến Quốc lộ 55 (thuộc xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) xuống còn 15 km (giảm 25 km so với hiện nay). Đồng thời, giảm tải cho Quốc lộ 28, tạo ra tuyến đường kết nối ngắn nhất giữa trung tâm công nghiệp bô xít Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông).

Trước đó, vào tháng 3/2025, UBND tỉnh Đắk Nông đã đề xuất Bộ Tài chính hỗ trợ đầu tư dự án xây dựng tuyến đường động lực Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Bảo Lâm (Lâm Đồng), kết nối liên vùng Nam Tây Nguyên với Nam Trung bộ và Đông Nam bộ.

Với mục đích tạo đột phá cho địa phương, hướng tới đạt tăng trưởng đạt 2 con số trong thời gian tới, Đắk Nông còn kiến nghị ưu tiên xây dựng tuyến đường sắt Đắk Nông – Chơn Thành để kết nối với đường sắt Xuyên Á xuống cảng Thị Vải, phục vụ vận chuyển alumin, nhôm tinh chế và các sản phẩm sau nhôm. Đồng thời tỉnh cũng đề xuất nghiên cứu bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt Đắk Nông – Lâm Đồng – Bình Thuận vào quy hoạch đường sắt quốc gia.

Nguồn báo Báo Pháp Luật và theo dõi chúng tôi để biết thêm những thông tin khác qua Tại đây

Dự kiến hoàn thành sáp nhập tỉnh trước 20-6, kết thúc cấp huyện trước 30-6

Theo kế hoạch của Chính phủ, Bộ Nội vụ sẽ lập hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh để trình Quốc hội trước ngày 30-5 và xem xét, thông qua trước ngày 20-6.

Nghị quyết 74/2025 ngày 7-4 của Chính phủ về Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (gọi tắt là Kế hoạch) nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện chính sách, pháp luật và văn bản hướng dẫn làm cơ sở cho việc sắp xếp ĐVHC và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành trung ương chủ động đề xuất, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn giải quyết các vấn đề liên quan đến sắp xếp ĐVHC, kết thúc hoạt động của ĐVHC cấp huyện và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

“Điều này giúp bảo đảm sau sắp xếp ĐVHC, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động thông suốt, không gián đoạn, không có khoảng trống pháp lý” – Chính phủ nêu rõ và yêu cầu hoàn thành trước ngày 30-6.

 Chính phủ dự kiến hoàn thành sáp nhập tỉnh trước 20-6, kết thúc cấp huyện trước 30-6. Ảnh minh họa: HUỲNH DU

Chính phủ dự kiến hoàn thành sáp nhập tỉnh trước 20-6, kết thúc cấp huyện trước 30-6. Ảnh minh họa: HUỲNH DU

Về thực hiện sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC cấp xã, theo Kế hoạch, UBND cấp tỉnh lập hồ sơ đề án trước ngày 1-5. Trước ngày 30-5, Bộ Nội vụ thẩm định, lập hồ sơ đề án của Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Còn với cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh lập hồ sơ đề án trước ngày 1-5, sau đó Bộ Nội vụ lập hồ sơ đề án của Chính phủ để trình Quốc hội trước ngày 30-5. Ủy ban Pháp luật và Tư pháp thẩm tra, Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 20-6.

“Tổng kết việc sắp xếp ĐVHC các cấp trước ngày 20-9” – kế hoạch nêu.

Về nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, đáng chú ý, Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì hướng dẫn rà soát quy hoạch đô thị và đánh giá chất lượng đô thị của các ĐVHC sau sắp xếp. Đồng thời, ban hành hướng dẫn rà soát, đánh số và gắn biển số nhà, công trình xây dựng tại khu vực đô thị, khu vực nông thôn bảo đảm khoa học, nhất quán và đồng bộ ở khu vực đô thị, nông thôn, miền núi…

Đặc biệt, Bộ KH&CN cần ban hành hướng dẫn về chính quyền điện tử, chính quyền số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; về xây dựng hệ thống dữ liệu kết nối, liên thông giữa chính quyền địa phương cấp xã, cấp tỉnh, liên thông với cơ quan trung ương…

Với Bộ Y tế, Chính phủ giao ban hành hướng dẫn về sắp xếp, tổ chức cơ sở y tế tại các ĐVHC thực hiện sắp xếp, tổ chức lại… và các vấn đề khác có liên quan thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Y tế.

Bộ GD&ĐT ban hành hướng dẫn bảo đảm duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục, đào tạo tại các ĐVHC thực hiện sắp xếp, tổ chức lại; hướng dẫn công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đào tạo tại các tỉnh, TP khi kết thúc hoạt động của ĐVHC cấp huyện, tổ chức lại ĐVHC cấp cơ sở tại các địa phương…

Trước đó, Bộ Nội vụ đã có Tờ trình 624 về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp ĐVHC.

Theo dự thảo, dự kiến cả nước có 11 ĐVHC cấp tỉnh không thực hiện sáp nhập trong đợt này, gồm TP Hà Nội, TP Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Còn đối với 52 đơn vị cấp tỉnh còn lại dự kiến sẽ thực hiện sắp xếp, trong đó có bốn TP là Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và 48 tỉnh.

Những tỉnh này gồm Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Ninh Thuận, Quảng Trị, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đắk Nông, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Thuận, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Long An, Cà Mau, Quảng Nam, Bình Định, Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Kiên Giang.

Nguồn Báo mới và theo dõi chúng tôi để biết thêm những thông tin khác qua Tại đây

Bàn giao mặt bằng “sạch” để đẩy nhanh tiến độ nâng cấp Quốc lộ 28B

Trong nỗ lực nhằm hoàn thiện mạng lưới giao thông huyết mạch, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa yêu cầu huyện Đức Trọng khẩn trương đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng cho Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B nối liền hai tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng. Quyết tâm này được đưa ra trong bối cảnh dự án đang đối mặt với những tồn tại có thể dẫn đến chậm tiến độ do vướng mắc về giải phóng mặt bằng.

Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo sát sao, yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc huyện Đức Trọng tập trung thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo từ Bộ Xây dựng và UBND tỉnh về công tác giải phóng mặt bằng. Mục tiêu là bàn giao mặt bằng “sạch” một cách nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thi công triển khai dự án.

Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B được Bộ Xây dựng phê duyệt với tầm nhìn chiến lược, hướng đến việc từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông vận tải liên kết giữa Bình Thuận và Lâm Đồng. Không chỉ vậy, tuyến đường này còn mang trong mình kỳ vọng lớn lao về việc giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông, tăng cường kết nối vùng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng cao trên hành lang Đông – Tây, kết nối khu vực Tây Nguyên giàu tiềm năng với các tỉnh duyên hải miền Trung năng động.

Tuy nhiên, dù đã có những nỗ lực đáng ghi nhận từ cả hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận trong công tác giải phóng mặt bằng và giải quyết các vướng mắc, tiến độ dự án vẫn đang khiến người dân 2 tỉnh không khỏi lo lắng. Đến thời điểm hiện tại, mặc dù nhiều đoạn đang được khẩn trương thi công, thảm nhựa lớp 1 nhưng dự án mới chỉ đạt 20% tiến độ thi công, chậm khoảng 6% so với kế hoạch đề ra. Điều này đồng nghĩa với việc mục tiêu hoàn thành dự án trong năm nay đang đứng trước những thách thức không nhỏ.

Phân tích sâu hơn về nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ này, Bộ Xây dựng chỉ rõ “điểm nghẽn” nằm ở khâu giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc. Tại Bình Thuận, mới chỉ có hơn 19 km mặt bằng được bàn giao, trong khi đó vẫn còn tới 31,5 km đang “nằm chờ” các thủ tục phê duyệt phương án đền bù đất và tài sản trên đất, cũng như các quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và phương án tận thu, khai thác cây rừng.

Tình hình tại Lâm Đồng cũng không mấy khả quan hơn. Mặc dù đã bàn giao chính thức được 9 km mặt bằng, nhưng vẫn còn 8 km đang vướng mắc do chưa hoàn tất việc phê duyệt phương án đền bù đất và tài sản trên đất.

Trước tình hình cấp bách này, ngày 20/3 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp đã có buổi làm việc trực tiếp với các đơn vị liên quan để rà soát và thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng. Thông tin từ buổi làm việc cho thấy, đến thời điểm đó, vẫn còn tồn đọng 115 cây xanh phân tán và 19 cây thông nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng chưa được di dời, xử lý. Bên cạnh đó, một số công trình hạ tầng kỹ thuật quan trọng như đường dây trung thế và hạ thế nằm trong khu vực thi công vẫn chưa được di dời, gây cản trở không nhỏ đến tiến độ chung của dự án.

Có thể thấy, bài toán giải phóng mặt bằng đang là yếu tố then chốt quyết định tiến độ của Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B. Sự chỉ đạo quyết liệt từ UBND tỉnh Lâm Đồng thể hiện quyết tâm cao độ trong việc tháo gỡ “nút thắt” này.

Với những nỗ lực và quyết tâm mới này, dư luận và người dân kỳ vọng rằng các vướng mắc về mặt bằng sẽ sớm được giải quyết dứt điểm, tạo đà cho Dự án Quốc lộ 28B tăng tốc, hiện thực hóa mục tiêu hoàn thành trong năm 2025, thúc đẩy kết nối giữa 2 tỉnh và góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của cả hai tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng, cũng như khu vực Tây Nguyên – Nam Trung Bộ nói chung. 

Các khâu đột phá phát triển kinh tế ở Bảo Lộc

Triển khai các khâu đột phá và các dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2021 – 2025, TP Bảo Lộc đã đạt nhiều chỉ tiêu quan trọng, tạo nền tảng phát triển kinh tế theo kế hoạch tăng trưởng cho giai đoạn tiếp theo.

THAY ĐỔI DIỆN MẠO ĐÔ THỊ TRUNG TÂM PHÍA NAM

Thống kê giai đoạn năm 2021 – 2025, từ nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và nguồn lực huy động xã hội trên 424 tỷ đồng, TP Bảo Lộc nâng cấp, sửa chữa trên 287 km đường giao thông kết nối giữa các khu vực nông thôn và đô thị; đầu tư đồng bộ hệ thống cấp điện, cấp, thoát nước, thông tin liên lạc, vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng theo quy chuẩn, tiêu chí đô thị loại II. Qua đó, không chỉ làm thay đổi diện mạo xứng tầm đô thị trung tâm vùng phía Nam của tỉnh, mà còn góp phần tạo điều kiện thuận lợi để ngành Nông nghiệp tỉnh, thành phố tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, liên kết theo chuỗi giá trị tiêu thụ nông sản trên địa bàn. Cụ thể, toàn TP Bảo Lộc đã chuyển đổi trồng mới tổng diện tích 4.000 ha, trong đó, diện tích các giống cây trồng chủ lực chất lượng cao như: cây chè (200 ha), cà phê ước (3.716 ha), dâu tằm (182 ha). Ngoài ra, xây dựng 5 mô hình sản xuất VietGAP, 12 chuỗi liên kết giá trị, thu hút tham gia của 7 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã trên địa bàn.

Bên cạnh đó, TP Bảo Lộc cũng đã đầu tư hình thành các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch dã ngoại, phù hợp quy hoạch. Các khu thương mại, dịch vụ, kinh tế đêm phát triển, thu hút du khách đến tham quan, vui chơi, giải trí; tìm hiểu văn hóa bản địa, ẩm thực và tận hưởng giá trị về khí hậu, cảnh quan của địa phương. Giai đoạn 2021 – 2025, tổng lượng khách đăng ký lưu trú ước đạt 523.587 lượt, tăng bình quân 8,5%/năm. Đến năm 2025, toàn TP Bảo Lộc có 144 cơ sở lưu trú; trong đó có 18 khách sạn và biệt thự du lịch 1 – 4 sao, 18 khách sạn đạt tiêu chuẩn; 3 công ty kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa. Hiện, TP Bảo Lộc có 4 mô hình du lịch trải nghiệm vườn chè Ô long; mô hình làng quê nông thôn Việt Nam…

TẬP TRUNG NGUỒN LỰC TRIỂN KHAI CÁC CÔNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM

Đáng kể, theo các cơ quan chuyên trách của UBND TP Bảo Lộc thì trong giai đoạn năm 2021 – 2025, các dự án, công trình trọng điểm được tập trung huy động nguồn lực triển khai thực hiện. Trong đó, các công trình trọng điểm từ ngân sách nhà nước đã và đang triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Cụ thể, các công trình trọng điểm từ ngân sách nhà nước như: Hồ Blao S’re phòng, chống ngập lụt tại địa bàn xã Lộc Châu, xã Đại Lào và phường B’Lao (19,6 tỷ đồng) hoàn thành năm 2022 và năm 2023; Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi (118 tỷ đồng), quảng trường 28/3 (54,4 tỷ đồng) đang triển khai thi công, dự kiến hoàn thành trong tháng 8/2025 và tháng 10/2025; suối Hà Giang (175 tỷ đồng) đang giải phóng mặt bằng. Tiếp theo, công trình vận dụng cơ chế đặc thù với các hợp phần hoàn thành trong quý I/2025 gồm: Nhà máy nước mặt sông Đại Nga (37,8 tỷ đồng), công suất giai đoạn 1 là 5.000 m3/ngày đêm; hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước (hơn 52,5 tỷ đồng), công suất 5.000 m3/ngày đêm. Và các công trình đã đề xuất chủ trương đầu tư như: Nhà máy Thu gom xử lý nước thải (1.029 tỷ đồng), công suất 4.000 m3/ngày đêm; Nhà máy Cấp nước sử dụng nước mặt hồ Tân Rai (153 tỷ đồng), công suất 15.000 m3/ngày đêm…

Kết quả giai đoạn năm 2021 – 2025, TP Bảo Lộc đạt mức tăng trưởng bình quân 9,9%/năm sản xuất công nghiệp. Nhiều sản phẩm lụa tơ tằm, thời trang từ tơ lụa, trà Ô long, cà phê nguyên chất tiếp tục cải tiến mẫu mã, đáp ứng thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị nội ngành. Về nông nghiệp, TP Bảo Lộc huy động trên 70 tỷ đồng đầu tư hoàn thành 11 công trình thủy lợi, nạo vét các nhánh sông, suối, nâng cấp cải tạo hồ, đập, góp phần tăng giá trị sản xuất bình quân 2,1%/năm. Riêng trong năm 2025, TP Bảo Lộc phấn đấu đạt mức tăng trưởng 9,5 – 10,5%. Trong đó, tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp 10,3 – 11,3%/năm; sản xuất nông lâm, nghiệp 2,5 – 3,5%.